các trò chơi của trẻ mẫu giáo, đồng dao và trò chơi trẻ em, các trò chơi trẻ em, trò chơi trẻ em tập thể, tổ chức trò chơi trẻ em, thơ trẻ mẫu giáo, trò chơi… trò chơi cho trẻ mẫu giáo lớn
Các trò chơi của trẻ mẫu giáo
Trò chơi: Tay trái, tay phải của bé
Mục đích
Trẻ nhận biết được tay phải, tay trái.
Chuẩn bị
– Những đồ dùng đồ chơi mà khi sử dụng trẻ phải dùng bằng tay phải hoặc tay trái như: bàn chải đánh răng, lược chải đầu, bút vẽ, thìa xúc cơm, bát… hoặc những đồ vật khi sử dụng trẻ phải dùng cả hai tay như: dây nhảy dây, giày có dây buộc…
– Số đồ dùng, đồ chơi bằng với số trẻ ở mỗi nhóm chơi. Đồ chơi để cách vạch xuất phát khoảng 3 – 4 m.
– Vẽ một vòng tròn quy định nơi để đồ dùng của mỗi nhóm lấy được.
Cách chơi
Cô chia trẻ thành 2 nhóm. Khi có hiệu lệnh, hai trẻ đứng đầu hai nhóm cùng xuất phát. Trẻ phải sử dụng tay phải (hoặc tay trái) để lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, sau đó đặt đồ chơi vào vòng tròn quy định của nhóm, rồi chạy về nhóm của mình. Về đến nơi, trẻ phải chạm vào tay phải của bạn tiếp theo để bạn đó được xuất phát rồi chạy xuống cuối hàng. Nhóm nào thực hiện nhanh, đúng luật chơi và về đích trước là thắng cuộc. Nhóm nào về đích chậm hơn hoặc chơi sai là thua cuộc. Nhóm thua cuộc phải giơ tay phải (hoặc tay trái) lên và nhảy lò cò 1 vòng vừa nhảy vừa nói: “Đây là tay phải (hoặc tay trái)”.
Trò chơi: Xếp hình
Mục đích
Rèn luyện sự khéo léo và khả năng sáng tạo.
Chuẩn bị
Bộ xếp hình theo mục đích của trò chơi (hột, hạt, que, hình vuông, hình tròn, hình tam giác) và hình mẫu.
Cách chơi
Cô cho trẻ xem hình mẫu đã xếp sẵn. Sau đó, trẻ tự xếp hình theo mẫu hoặc theo gợi ý của cô giáo. Khi trẻ xếp xong, cô hỏi trẻ: Cháu vừa xếp hình gì ?” và phát triển nội dung cuộc đàm thoại bằng các câu hỏi mở
Trò chơi: Vì sao bé buồn?
Mục đích
Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, khả năng nhận biết và biểu lộ cảm xúc.
Chuẩn bị
Bức tranh vẽ em bé có khuôn mặt buồn.
Cách chơi
Cô giáo đưa ra bức tranh vẽ em bé có khuôn mặt buồn và hỏi trẻ lí do vì sao em bé lại buồn. Cô giáo gợi ý để trẻ đưa ra lời giải thích (bé không có ai chơi cùng; bé không có đồ chơi; mẹ bé đi vắng…).
Tùy theo khả năng của trẻ trong lớp, cô khuyến khích trẻ đưa ra những ý tưởng và lời giải thích phù hợp. Ví dụ: “Em bé buồn vì không có đồ chơi”. Cô giáo gợi ý: “Vậy lớp mình phải làm gì để em bé khỏi buồn?” : tặng đồ chơi, chơi cùng em bé…
Sau đó, cô cho cả lớp làm đồ chơi để tặng bé.
Trò chơi: Bé mặc quần áo
Mục đích
Củng cố cho trẻ những hiểu biết về việc mặc quần áo phù hợp với thời tiết.
Chuẩn bị
– Một số tranh, lô tô về quần áo, đố dùng cho các thời tiết khác nhau (trời nóng, trời lạnh, trời mưa).
– 3 tranh vẽ về hình ảnh trong các thời tiết nóng, lạnh, trời mưa, mỗi biểu tượng có thể kèm theo một hình ảnh về cách ăn mặc phù hợp với thời tiết.
– Vẽ 3 vòng tròn hoặc 3 hàng. Mỗi vòng tròn ( hoặc mỗi hàng) tương ứng với một biểu tượng thời tiết. Mỗi hàng hoặc vòng tròn đó lại được chia thành 3 – 4 ô nhỏ hơn.
– Số trẻ chơi nhiều hơn tổng số các ô ở cả 3 vòng tròn từ 2 – 3 cháu.
Cách chơi
Cô gõ xắc xô hoặc ra hiệu lệnh: Tất cả trẻ “đi cửa hàng mua sắm quần áo, đồ dùng”. Cô yêu cầu trẻ chọn quần áo theo ý thích. Sau đó, cô nói ; “Dùng cho khi nào?”, trẻ phải nhanh chóng về đúng hàng có biểu tượng thời tiết tương ứng với quần áo, đồ dùng cho mình đã chọn (mỗi trẻ về một ô). Trẻ nào chạy chậm, không còn chổ đứng sẽ phải đứng trước lớp giới thiệu loại quần áo (đồ dùng) mà mình đã chọn sử dụng vào thời tiết nào.
Trò chơi: Tổ chức sinh nhật
Mục đích
Luyện cho trẻ các hành vi giao tiếp, ứng xử lịch thiệp.
Chuẩn bị
– Các đồ vật, đồ chơi để làm quà.
– Một số tiết mục văn nghệ: đọc thơ, kể chuyện.
– Bánh kẹo, hoa quả (do phụ huynh mang đến để tổ chức sinh nhật tại lớp).
– Trẻ cùng nhau trang trí lớp.
– Cô thông báo cho cả lớp biết những ngày sinh nhật của trẻ trong tuần (tháng) và cùng với trẻ bàn kế hoạch tổ chức sinh nhật cho bạn. Trẻ có thể tự làm những món quà (đồ chơi, vẽ tranh, nặn quả) để tặng bạn.
Cách chơi
– Tổ chức sinh nhật: Có thể tổ chức riêng cho từng trẻ vào đúng ngày sinh nhật của trẻ đó hoặc tổ chức chung cho tất cả trẻ có ngày sinh nhật trong cùng tuần hay tháng đó.
– Trong bữa tiệc sinh nhật của mình, trẻ phải tự giới thiệu và nó cảm xúc của mình về ngày sinh nhật trước cả lớp.
– Cả lớp tặng quà sinh nhật cho bạn và chúc những điều tốt đẹp.
– Biểu diễn văn nghệ và ăn bánh kẹo, trái cây.
– Kết thúc buổi sinh nhật: Trẻ được tổ chức sinh nhật , nói lời cảm ơn với các bạn đến dự rồi chia tay và chào tạm biệt khi các bạn ra về.
Trò chơi: Cửa hàng thực phẩm
Mục đích
Phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Chuẩn bị
Một số đồ chơi mô phỏng bánh, kẹo, rau, củ, quả, tôm, cá…(nếu có điều kiện cô có thẻ chuẩn bị rau, quả thật như: rau ngót, rau muống, củ cải, quả mận, quả quýt…).
Cách chơi
– Yêu cầu nhóm trẻ đóng vai người bán hàng sắp xếp thực phẩm theo từng loại.
– Các nhóm trẻ đóng vai người mua thực phẩm phải đưa ra yêu cầu. Ví dụ: “Bác ơi bán cho tôi mớ rau ngót; Bác bán cho tôi quả mận…”. “Người mua” trả tiền và nói cảm ơn. “Người mua” và “người bán” chào tạm biệt nhau.
Trò chơi: Tìm người nhà
Mục đích
Phát triển các giác quan và khả năng định hướng trong không gian trẻ.
Chuẩn bị
Mỗi trẻ một hình tròn hoặc tam giác.
Cách chơi
– Cô phát cho mỗi trẻ một hình
– Cô chia trẻ thành 2 nhóm theo dấu hiệu: hình tròn, tam giác.
– Cô gọi một trẻ lên, hỏi xem trẻ có hình gì và quan sát xem mình phải tìm đến nhóm nào là “người nhà” của mình. Sau đó, cô bịt mắt trẻ lại rồi cho trẻ đi tìm đúng hình cùng loại với hình của mình. Cô yêu cầu trẻ ở nhóm “người nhà” vỗ tay hoặc nói: “Chúng tôi đây” để trẻ bị bịt mắt định hướng được. Khi đến nơi, trẻ bị bịt mắt phải sờ tay vào các hình mà một trẻ đã cho để xem có đúng là “người nhà” của mình không. Khi nào nói đúng thì trẻ mới được bỏ khăn bịt mắt ra. Trò chơi tiếp tục tương tự với các nhóm khác, chỉ cần đổi vị trí đứng và đổi các hình cho nhau.
Trò chơi: Ngửi hoa
Mục đích
Trẻ biết được tác dụng của thính giác.
Cách chơi
– Cho trẻ đứng thành vòng tròn.
– Cô nói: “ Chúng ta hãy cùng làm động tác ngửi hoa nhé! Các cháu hãy hít thật dài, sau đó thở ra. Khi thở ra chúng ta nói khẽ: “Thơm quá!”. Cô làm mẫu cách hít sâu như đang ngửi hoa, cách thở ra và nói: “Thơm quá!”. Cô có thể cho trẻ chơi 5 – 6 lần.
– Trò chơi này có thể chơi sau các trò chơi, các hoạt động (vận động nhanh) hoặc để hít thở không khí trong lành vào buổi sáng sớm.
Trò chơi: Nhớ tên
Mục đích
Phát triển ngôn ngữ và khả năng ghi nhớ có chủ định cho trẻ.
Cách chơi
Trẻ ngồi thành vòng tròn theo từng nhóm ( khoảng 3 -5 trẻ). Cô giáo (hoặc trẻ trong nhóm) vỗ nhẹ vào trẻ ngồi bên cạnh và nói tên 1 trẻ nào đó trong lớp. Trẻ phải nhắc lại tên đó rồi lại vỗ nhẹ vào bạn bên cạnh và nói một tên khác (không được trùng với tên mà trẻ trước đã nói). Trẻ nào nói được nhiều tên các bạn trong lớp sẽ là người thắng cuộc.
Trò chơi: nhận biết một và nhiều
Mục đích
Nhận biết 1 và nhiều, kích thước to và nhỏ.
Chuẩn bị
2 hình tròn, 2 hình tam giác làm nhà, hình nhỏ chỉ đủ 1 người đúng vào chỗ và 1 hình to có thể đứng nhiều người.
Cách chơi
Nhà có hình tam giác có khuôn mặt hiển thị bé trai.
Nhà có hình tròn hiển thị khuôn mặt bé gái.
Cô cùng trẻ quan sát các nhà và cùng đưa ra nhận xét các nhà có hình giống hình ( hình tròn, hình tam giác) và hình nào to, hình nào nhỏ (hình tam giác to – nhà nhỏ).
Cô cho trẻ chạy xung quanh các nhà theo tiếng lắc của xúc xắc, đặt hiệu lệnh trẻ phải tìm về nhà. Bạn nào chậm chân không về được nhà, phải quan sát nhà nhỏ có bao nhiêu người (1 người) và nhà lớn có bao nhiêu người (nhiều người).
Trò chơi: Tên tôi là gì (thẻ tên của tôi)
Mục đích
Về đúng nhà theo giới tính; nhận biết thẻ tên và cả trẻ trong lớp.
Chuẩn bị
– Thẻ tên của trẻ và lô tô đồ vật, con vật tương ứng với kí hiệu trong thẻ tên của trẻ.
– Giáo viên vẽ 2 đường vòng tròn làm nhà, mỗi vòng tròn có hiển thị hình ảnh bé trai – bé gái. 1 vòng tròn ở giữa lớp đủ rộng để các thẻ tên.
–
Cách chơi
Cô phát mỗi trẻ 1 thẻ tên và một lô tô có hình ảnh là con vật hay đồ vật tương ứng với kí hiệu thẻ tên của trẻ. Cho trẻ quan sát kĩ thẻ tên của mình và kí hiệu của thẻ tên. Cô hỏi tên của một trẻ trong lớp và cho trẻ nhắc lại tên của mình, sau đó cho trẻ đặt lại tất cả thẻ tên vào vị trí náo đó của lớp học ở hình tròn giữa lớp. Mỗi trẻ cầm lô tô tương ứng với kí hiệu của thẻ tên.
Cô và trẻ vừa đi vừa hát theo bài hát “trời nắng, trời mưa”, kết thúc bài hát mỗi trẻ so kí hiệu lô tô tương ứng với kí hiệu thẻ tên của mình, chọn đúng thẻ tên và về đúng nhà theo giới tính. Trẻ nào về chậm, không còn “nhà” để về phải tự giới thiệu thẻ tên và tên của mình với các bạn trong lớp.
Trò chơi: Nghe và đoán
Mục đích
Phát triển thính giác và ngôn ngữ của trẻ qua việc nghe và lặp lại tiếng động (tiếng kêu).
Chuẩn bị
Băng ghi âm tiếng kêu của các con vật và các tiếng động khác.
Cách chơi
Trẻ nghe tiếng động hoặc tiếng kêu của các con vật qua băng ghi âm ( hoặc do giáo viên tự tạo ra) và nói xem đó là tiếng động gì; tiếng kêu của con gì. Sau đó, cô yêu cầu trẻ lặp lại tiếng động hoặc tiếng kêu đó. Trẻ nào nhận biết đúng và thể hiện giống nhất sẽ là người thắng cuộc.
Trò chơi: Chó sói xấu tính
Mục đích
Rèn phản xạ nhanh, phát triển cơ chân cho trẻ.
Luật chơi
– 1 mũ hình đầu chó sói
– Vẽ một vạch chuẩn ở giữa lớp học để quy định ranh giới giữa “nhà” của “thỏ” và “sói”.
–
Cách chơi
Lúc đầu, cô đóng vai “chó sói”, các trẻ làm “thỏ”. “Chó sói” ngồi “ngủ” ở một góc lớp, “thỏ” ngồi ở ghế hoặc đứng ở một góc lớp cách “ chó sói” khoảng 5 m. Các “chú thỏ” nhảy đi chơi (chụm hai chân, hai tay giơ lên đầu vẫy vẫy), tiến về phía “ chó sói” nhưng không được chạm vào “chó sói” và nói: “Này chó sói xấu tính, hãy mở mắt ra mà xem chúng tôi đi chơi này! Dậy đi thôi!”. “Sói” mở mắt và kêu: “Hừm” rồi đứng lên, chạy đuổi theo các “chú thỏ”. “Thỏ” chạy nhanh về “nhà” của mình. “Chú thỏ” nào chạy chậm sẽ bị “sói” bắt và đổi vai làm “sói”. Nếu không bắt được “thỏ” thì “sói” lại nhắm mắt “ngủ” tiếp. Sau khi trẻ đã biết chơi, cô giáo có thể chọn một cháu nhanh nhẹn làm “sói” và cho trẻ chơi tiếp 3 – 4 lần.
Trò chơi: Đuổi bóng
Mục đích
Giúp trẻ rèn luyện và phát triển vận động nhanh, khéo.
Chuẩn bị
5 quả bóng.
Cách chơi
Cô cho trẻ đứng về một phía, cô tung cho bóng lăn phía trước mặt trẻ và trẻ phải đuổi theo bóng. Khi nào bóng dừng lại thì trẻ mới được dừng lại để bắt bóng, sau đó lại tiếp tục chơi.
Trò chơi: Trời mưa
Mục đích
Giúp trẻ rèn luyện phản xạ nhanh.
Chuẩn bị
– 1 cái trống lắc
– Xếp ghế thành hình vòng cung, mỗi ghế cách nhau khoảng 30 – 40 cm. Số ghế ít hơn số trẻ từ 3-4 cái.
Cách chơi
Cô quy định mỗi cái ghế là một “ngôi nhà”. Trẻ chơi tự do hoặc vừa đi vừa hát: “Trời nắng, thỏ đi tắm nắng…”. Khi cô ra hiệu lệnh: “Trời mưa” và gõ trống lắc dồn dập thì trẻ phải chạy nhanh đến một “ngôi nhà”( ngôi vào ghế) để tránh mưa. Trẻ nào chạy chậm không có “ngôi nhà” để tránh mưa thì “bị ướt” và phải ra ngoài một lần chơi.
Trò chơi: Tạo dáng
Mục đích
Giúp trẻ rèn luyện cách nhận biết và thể hiện các tạng thái khác nhau bằng những vận động biểu cảm.
Cách chơi
Cô yêu cầu trẻ bắt chước dáng đi của các con vật như: gấu, thỏ, chim, gà, vịt…Trẻ nào thể hiện giống nhất sẽ là người thắng cuộc.
Trò chơi: Đoán tên
Mục đích
Phát triển tai nghe, phân biệt và nhận ra giọng hát của bạn.
Chuẩn bị
Mũ chóp kín.
Cách chơi
Cô cho một trẻ đội mũ chóp kín. Gọi một trẻ trai hoặc một trẻ gái lên hát. Trẻ đội mũ sẽ phải đoán bạn đang hát là bạn trai hay bạn gái hoặc tên bạn, tên bài hát?
Trò chơi: Ai đoán giỏi
Mục đích
Phát triển tai nghe, phân biệt âm sắc của một số nhạc cụ.
Chuẩn bị
Trống, trống lắc, phách tre, chũm chọe, mũ chóp kín.
Cách chơi
– Cô gọi bạn A lên bảng, đầu đội mũ chóp kín mắt. Cô gọi cháu B đứng tại chỗ hát kết hợp gõ một nhạc cụ. Đố trẻ tên bài hát? Tên nhạc cụ gõ?.
– Tăng số lượng trẻ hát và gõ nhạc cụ.
Trò chơi: Cào cào giã gạo
Mục đích
Phát triển tai nghe, đoán đúng âm thanh của các bộ phận trên cơ thể.
Chuẩn bị
Mũ chóp kín.
Cách chơi
Cô cho trẻ đội mũ chóp kín, cô ngồi ở một chỗ bất kì trong lớp.
– Cô vỗ tay và đố trẻ đó là tiếng gì?
– Cô dùng ngón cái bịt một bên lỗ mũi, ngón rỏ bật ra bật vào, giọng ư ư. Đố trẻ biết đó là âm thanh của bộ phận nào?
– Hai tay cô vỗ vỗ vào hai bên má. Đố trẻ biết đó là âm thanh của bộ phận nào?
– Hai tay vỗ vào hai đùi. Đố trẻ biết đó là âm thanh của bộ phận nào?
– Hát, đố trẻ âm thanh của giọng hát.
Trò chơi: Cặp kè
Mục đích
Phát triển vận động.
Cách chơi
Tất cả trẻ tham gia chơi nắm tay vừa đi vừa đung đưa tới trước rồi ra sau theo nhịp bài đồng dao sau:
Cặp kè
Ăn muối mè
Ngồi xuống đất
Ăn rau muống
Đứng lên.
Cứ đến câu: “Ngồi xuống đất” thì tất cả cùng ngồi xổm xuống và khi đến câu: “ Đứng lên” thì tất cả lại đứng lên. Tiếp tục hát đi hát lại.
Trò chơi: Nu na nu nống
Mục đích
Trẻ biết chơi cùng nhau, luyện kĩ năng đếm.
Cách chơi
5 -6 trẻ ngồi duỗi thẳng chân, cô cho trẻ đếm bàn chân, ngón chân của mình, cả bạn. Cô giáo hỏi trẻ phía bên phải (trái) của trẻ có bao nhiêu chân, trẻ ngồi cạnh bạn nào, bạn ngồi giữa những bạn nào…Sau đó cô giáo vừa hát “Nu na nu nống” vừa vỗ vào chân từng trẻ. Từ “trống” cuối cùng kết thúc ở chân nào thì chân đó co lại. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi tất cả các chân đều co hết. Những lần chơi sao, cô để trẻ tự chơi với nhau.
Lời 1
Nu na nu nống
Cái bống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Lời 2
Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở cuộc thi đua
Thi chân đẹp đẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Được vào đánh trống.
Tay xòe chân rụt.
Trò chơi: Kéo cưa lừa xẻ
Mục đích
Phát triển ngôn ngữ.
Chuẩn bị
Trẻ thuộc lời bài đồng dao
Đưa, đẩy tay theo đúng nhịp của bài đồng dao
Cách chơi
Lời 1
Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ.
Lời 2
Kéo cưa, lừa kít
Làm ít, ăn nhiều
Nằm đâu ngủ đấy
Nó lấy mất cưa
Lấy gì mà kéo.
Trẻ ngồi từng đôi một đối diện nhau nắm tay nhau, vừa đọc lời ca ( lời 1 hoặc lời 2) vừa làm theo động tác kéo cưa theo nhịp của bài đồng dao, đọc tiếng “kéo” thì trẻ A đẩy cháu B ( người hơi chúi về phía trước), trẻ B kéo tay trẻ A ( người hơi ngã về phía sau), khi đọc tiếng “cưa” thì trẻ B đẩy trẻ A và trẻ A kéo trẻ B. Đọc đến tiếng “lừa” thì trở về vị trí ban đầu. Cứ như vậy vừa đọc, vừa làm động tác cho đến hết bài theo đúng nhịp.
Trò chơi: Thêm, bớt vật gì?
Mục đích
Phát triển khả năng quan sát
Chuẩn bị
Đồ dùng, đồ chơi có sẵn trong lớp
Luật chơi
Trẻ nói nhanh và đúng tên một số đồ dùng, đồ chơi của lớp được thêm hoặc bớt trong lúc thêm bớt đồ dùng, đồ chơi nào trẻ phải nắm lại.
Cách chơi
Giáo viên đưa từng đồ dùng, đồ chơi của lớp cho trẻ quan sát và gọi tên. Sau đó cho tất cả vào túi. Khi bắt đầu chơi, giáo viên yêu cầu trẻ nhắm mắt lại (dùng hiệu lệnh) đồng thời đưa các đồ vật sau khi đã thêm hoặc bớt ra bày trước mặt trẻ. Cho trẻ mở mắt (dùng tín hiệu) và nhận xét có đồ dùng đồ chơi nào được thêm hoặc bớt đi. Trẻ nói đúng được tất cả nhóm vỗ tay hoan hô.
Trò chơi: Xếp hình
Mục đích
Luyện kĩ năng khéo léo, sáng tạo, ghi nhớ có chủ định.
Chuẩn bị
Que tính dài, ngắn khác nhau, các loại hạt (na, bưởi, gấc, bí….)
Luật chơi
Xếp theo mẫu hoặc theo yêu cầu của cô giáo.
Cách chơi
Cô cho trẻ xem hình mẫu, trẻ cùng các vật liệu kể trên xếp theo hình mẫu. Có thể cất mẫu đi, cho trẻ tự nhớ lại để xếp đúng hình. Nếu trẻ đã biết xếp thành thạo thì để trẻ tự xếp theo ý trẻ. Khi nào trẻ xếp xong, cô hỏi trẻ xếp hình gì? Bằng vật liệu gì? Màu nào?
Trò chơi: Đi siêu thị mua sắm
Mục đích
Phát triển ngôn ngữ, nhận biết đồ dùng
Chuẩn bị
Cửa hàng bày bán các loại đồ dùng học tập, đồ chơi (bút chì, hộp màu, bảng, vở, truyện tranh, búp bê, gấu bông…).
Cách chơi
Nhóm trẻ phục vụ trong cửa hàng xếp đồ chơi theo công dụng. Trẻ ở nhóm khác đến chọn mua.
Những thứ cần thiết cho vào giỏ và ra quầy trả tiền. Người bán và người mua cảm ơn và chào nhau sau khi mua hàng.
Trò chơi: Cửa hàng quần áo
Mục đích
Phát triển ngôn ngữ
Chuẩn bị
Búp bê, quần áo búp bê, các loại (áo bông, áo khoác, sơ mi dài tay, cộc tay, may ô, quần soóc, quần dài, váy, mũ len, khăn len…). Bàn để bày quần áo, những tờ giấy nhỏ giả làm tiền.
Cách chơi
Chỉ bán khi người mua mô tả được quần áo mình muốn mua (quần áo mùa đông, quần áo mùa hè, và quần áo lót…). Gia đình búp bê đi mua quần áo cho búp bê. Trẻ tới cửa hàng mua quần áo phải nói đúng tên quần áo mình cần mua, cám ơn sau khi mua. Ví dụ: “Bác bán cho tôi cái mũ len màu đỏ, cái áo dạ màu trắng kia”. Người mua trả tiền, người bán nhận tiền…
Trò chơi: Chuyền bóng
Mục đích
Rèn luyện kĩ năng vận động
Luật chơi
Ai làm rơi bóng phải ra ngoài một lần chơi.
Chuẩn bị
Từ 2 đến 3 quả bóng.
Cách chơi
Cho trẻ đứng thành vòng tròn ( nếu lớp đông có thể chia thành nhiều vòng tròn). Cứ 10 trẻ thì có một trẻ cầm bóng. Khi giáo viên hô “bắt đầu” thì trẻ cầm bóng đầu tiên sẽ chuyền bóng cho bạn bên cạnh, lần lượt theo chiều kim đồng hồ. Vừa chuyền vừa hát theo nhịp:
Không có cánh
Mà bóng biết bay
Không có chân
Mà bóng biết chạy
Nhanh nhanh bạn ơi
Nhanh nhanh bạn ơi
Xem ai tài, ai khéo
Cùng thi đua nào.
Khi trẻ đã chơi thành thạo có thể chia làm hai hoặc ba nhóm và thi đua cùng nhau, nhóm nào ít bạn làm rơi bóng sẽ thắng cuộc.
Trò chơi: Một số trò chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ
Chơi cát: có những cha mẹ không cho con nghịch cát vì sợ bẩn. Đừng quá lo. Giây bẩn là sự phát triển tự nhiên của tính thích khám phá của trẻ. Với đống cát, trẻ có thể xây núi, đào hang, xây cầu, làm đường, có thể lấy đá cuội và que làm vườn vui chơi. Có thể gạt bằng mặt cát để trẻ tự vẽ viết tùy ý thích. Ngoài ra, bạn có thể dạy trẻ dùng cát ướt để nặn mô hình hay dùng cát đã rửa sạch để làm bình lọc nước. Khi nhìn thấy nước đục sau khi lọc qua cát sẽ làm nước trong, trẻ thấy thích thú và sẽ có những gợi mở suy nghĩ mới.
Gấp giấy: là hoạt động vui chơi đơn giản, thực dụng, và vô cùng phong phú. Một tờ giấy nho nhỏ, qua bàn tay khéo léo có thể biến thành quần áo, thuyền, máy bay và các con vật có hình thù khác nhau. Trẻ chơi gấp giấy sẽ được củng cố khái niệm hình học một cách tự nhiên, nhận biết được các sự biến đổi từ đơn giản đến phức tạp. Bạn hãy biến trò chơi gấp giấy thành một trò chơi vừa rèn kỹ năng của tay lại vừa giúp cho trẻ động não.
Chơi nước: trẻ đặc biệt rất thích nghịch nước. Nhiều bậc cha mẹ sợ con nghịch nước làm ướt quần áo, nhất là về mùa đông dễ bị cảm lạnh. Đừng quá lo lắng như vậy. Hãy cho nước vào chậu, thả con vịt nhựa, bóng nhựa hoặc gấp thuyền bằng giấy… hay thổi bóng xà phòng. Đơn giản nhưng lại mang lại hiệu hiệu quả rõ rệt về phát triển trí tuệ.
Trò chơi: Trò chơi phát triển tư duy cho trẻ
Khái quát hóa là một năng lực đặc thù của tư duy con người. Đó là hình thức phản ánh những dấu hiệu và phẩm chất chung của các sự vật hiện tượng. Khả năng khái quát hóa được hình thành và phát triển từ lứa tuổi mầm non thông qua hoạt động của bản thân đứa trẻ, trong đó vui chơi là hoạt động chủ đạo đóng vai trò quan trọng.
Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt hướng dẫn bạn một số trò chơi đơn giản giúp trẻ phát triển tư duy. Trò chơi trong kỳ thứ nhất là: Chiếc hộp kỳ diệu.
* Chuẩn bị:
– Một số thẻ hình để trong một cái túi vải. Trên mỗi thẻ có vẽ một trong các hình sau đây: hình cầu, hình lập phương, hình nón, hính chop, hình khối chữ nhật, hình lăng trụ tam giác…
– Một hộp to được đậy kín, bên trong đựng các đồ vật có hình cầu, hình nón, tương tự với các hình trong các thẻ nói trên.
Ví dụ: Trong hộp đựng quả bóng (hình cầu), mái nhà (hình lăng trụ), hộp kẹo (hình khối chữ nhật), khối gỗ hình lập phương.
* Cách chơi: Chơi theo nhóm hoặc cả lớp
Để các đồ chơi trước mặt trẻ. Cho hai trẻ lên chơi, cả lớp quan sát. Một trẻ lấy một trẻ ra khỏi túi và đặt lên bàn. Trẻ kia quan sát thẻ đó và cho tay vào hộp kín, không nhìn, chỉ dùng tay sờ để chọn ra những đồ vật có đặc điểm hình dạng giống hình trên thẻ.
Th526
0